DAKLAORUCO - VỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

Sau chặng đường 15 năm hình thành và phát triển,

Công ty TNHH Cao su DakLak đã đạt được những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực đầu tư phát triển cao su trên đất bạn Lào, thông qua việc thực hiện thành công Dự án “Trồng 10.000 ha cây cao su và một số cây công nghiệp khác tại 4 tỉnh Nam Lào”. Những thành tựu đạt được, không chỉ tạo ra nền tảng vững chắc để Công ty vững bước trên con đường Hội nhập và phát triển, mà còn tạo ra nguồn lực để cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống của người dân trong vùng Dự án, góp phần tô đẹp thêm mối quan hệ mật thiết, gắn bó, thủy chung giữa hai nước Việt - Lào anh em.

Nỗ lực trong điều kiện khó khăn

Thực hiện Hiệp định Hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật giữa Chính Phủ Việt Nam và Chính phủ Lào năm 2004, Công ty Cổ phần Cao su DakLak (DAKRUCO) – một doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm và thành tích  trong lĩnh vực đầu tư phát triển cao su tại Việt Nam, được giao thực hiện Dự án “Trồng 10.000 ha cao su cùng một số cây công nghiệp khác tại các tỉnh Nam Lào”.

Xác địnhDự án là nhiệm vụ trọng điểm cho tình hữu nghị Vệt - Lào nhưng cũng là thời cơ để Công ty mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, khẳng định vị thế trên trường quốc tế, DAKRUCO đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện và trở thành đơn vị “Phất cờ tiên phong” trong lĩnh vực đầu tư phát triển cao su ra nước ngoài.

Ông Huỳnh Văn Khiết – nguyên Chủ tịch HĐQT DAKLAORUCO nhớ lại: “vào cuối năm 2004, khi tham gia cùng đoàn doanh nghiệp tỉnh Daklak do ông Nguyễn Văn Lạng - chủ tịch UBND tỉnh Daklak chủ trì, khảo sát và thăm quan các tỉnh Nam Lào. Nhận thấy các điều kiện về khí hậu thổ nhưỡng của các tỉnh Nam Lào phù hợp với việc trồng và phát triển cây cao su. Mặt khác, tại thời điểm này vườn cây của DAKRUCO đang trong thời kỳ cho mủ nhiều, đang có tích lũy và sẽ vào chu kỳ tái canh trong vòng 10 năm tới. Lúc này vườn cây tại Lào sẽ đưa vào kinh doanh, cho năng suất cao sẽ giải quyết được những khó khăn cho DAKRUCO khi đầu tư vào chu kỳ tái canh mới nên đã quyết định đầu tư tại Lào. Tháng 11 năm 2004, tại Viên Chăn, DAKRUCO đã chính thức ký Biên bản thỏa thuận Dự án phát triển cao su tại 4 tỉnh Nam Lào với chính phủ Lào do ngài Thông Mi Phôn Xay – chủ tịch Ủy ban khuyến khích và quản lý Dự án đầu tư nước ngoài làm đại diện, và dưới sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn Lạng – chủ tịch UBND tỉnh DakLak”.  

Sau khi ký biên bản thỏa thuận về Dự án trồng cao su tại các tỉnh Nam Lào, ngày 6/12/2004, DAKRUCO đã thành lập công ty TNHH Cao su Daklak (DAKLAORUCO), trụ sở đặt tại bản Thaluong, huyện Pakse, tỉnh Champasak nhằm tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thành công Dự án trong khoảng thời gian 50 năm, với số vốn đầu tư 80 triệu USD. Cùng ngày, DAKLAORUCO được Bộ kế hoạch và đầu tư nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào cấp giấy phép đầu tư số 111-04/KH-ĐT.

Ngày 6/12/2004 đã trở thành mốc son đánh dấu sự hình thành và phát triển của DAKLAORUCO trong suốt 15 năm qua – một chặng đường gây dựng, phấn đấu với những bước thăng trầm, khó khăn nhất định nhưng đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, gắn liền và tương ứng với những kết quả nổi bật của từng giai đoạn thực hiện Dự án Trồng 10.000 ha cao su cùng một số cây công nghiệp khác tại các  tỉnh Nam Lào.

Ngày 23/6/2005, Phó thủ tướng Lào - Thonglun Sysulit đã trồng cây cao su đầu tiên của Daklaoruco tại Bản Mây – huyện Ba Chiêng – tỉnh Champasak

Với bộ khung lãnh đạo gọn nhẹ gồm có 20 người là những cán bộ giàu kinh nghiệm và có trình độ kỹ thuật cao được điều động từ các Phòng ban, các Nông trường của Dakruco cùng một số kỹ sư trẻ năng động, nhiệt huyết với công việc, Daklaoruco bắt tay vào thực hiện Dự án trong điều kiện hết sức khó khăn, thách thức. Đó là: điều kiện ăn ở thiếu thốn, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa có gì, ngôn ngữ, phong tục tập quán bất đồng với người dân bản địa, nhiều người dân còn thiếu niềm tin ở cây cao su, thiếu niềm tin ở Dự án; vùng dự án rộng, trong đó có nhiều khu vực địa hình phức tạp, núi rừng hiểm trở, thường xuyên bị cô lập vào mùa mưa, nhiều bản làng xa xôi phải mất cả ngày đường vượt rừng, vượt suối mới đến được .... Tuy nhiên, với kinh nghiệm và sự năng động của  Ban lãnh đạo, với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm hoàn thành sứ mệnh quốc tế được giao của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, Daklaoruco đã đề ra nhiều sáng kiến và giải pháp để “giải mã” thách thức; từng bước thiết lập mối quan hệ, tạo dựng lòng tin và sự đồng thuận của người dân địa phương vào Dự án, từ đó hết lòng hết sức ủng hộ Daklaoruco thực hiện Dự án thành công.

Ông Trần Lê - Nguyên PGD dakruco, nguyên TGD DRI, Nguyên GD Daklaoruco nhớ lại những ngày đầu triển khai Dự án đầy gian khó chia sẻ: “chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị, đồng thời nêu quyết tâm cao để làm sao thực hiện cho bằng được Nghị quyết của tỉnh ủy, UBND tỉnh DakLak. Và được sự giúp đỡ của nước bạn Lào, chúng tôi cho rằng đây là việc không thể không làm, không thể không hoàn thành. Tuy nhiên bước đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì cái gì cũng mới nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức. Được sự chỉ đạo của Đảng ủy cao su DakLak, của các ban ngành đoàn thể địa phương, đặc biệt là bà con nhân dân trong vùng Dự án, đi các tỉnh từ Atapue, Sekong, Champasak, Salavan, các cơ quan, bộ ngành từ trung ương đến địa phương của nước CHDCND Lào và bước đầu chúng tôi đều nhận được sự hỗ trợ rất lớn của lãnh đạo các cấp Lào, các địa phương mà chúng tôi dự tính là sẽ phát triển cao su ở địa phương đó. Phải nói rằng đó là điều kiện tiên quyết, một bước đầu rất thuận lợi để chúng tôi thực hiện Dự án này”.

Trước quy mô và yêu cầu nhiệm vụ hết sức khẩn trương của Dự án, Ban lãnh đạo Daklaoruco đã phát động chiến dịch thần tốc trong toàn công ty trên tinh thần “Lấy gian khó, thách thức làm thước đo ý chí, lấy sức mạnh đại đoàn kết để phát huy nội lực”. Daklaoruco cùng một lúc vừa ổn định nơi ăn chốn ở, vừa hình thành bộ máy quản lý, vừa triển khai công tác sản xuất trong điều kiện hết sức khó khăn. 

Được sự đồng thuận hỗ trợ tích cực của Chính quyền và nhân dân địa phương, các thủ tục thuê đất, công tác khai hoang, giải phóng mặt bằng, phân lô, cắm mốc,  tuyển dụng lao động, đào tạo kỹ thuật lái máy, trồng và chăm sóc cao su đều được triển khai nhanh gọn, hiệu quả, đúng pháp luật của nước Sở tại.

Và ngày 23/6/2005, cảm xúc như vỡ òa khi những cây cao su đầu tiên đã được trồng mới tại Bản May, huyện Bachieng, tỉnh Champasak. Khó có thể nói hết niềm vui của mọi người khi ấy. Bởi đây không chỉ là thành quả ban đầu thể hiện rõ nét sự nỗ lực vượt bậc của Daklaoruco mà còn là động lực, là điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng diện tích cao su cùng một số cây công nghiệp khác tại các tỉnh Nam Lào trong những năm tiếp theo.

Với sự quyết tâm, sự phấn đấu và sức trẻ, toàn bộ anh em của Daklaoruco đã quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao giữa hai nước Việt – Lào anh em. Kết thúc năm 2005 chúng tôi đã thành lập được Nông trường 1 tại tỉnh Champasak, Nông trường 2 tại tỉnh Salavan và trồng mới được hơn 900 ha cao su. Đây là một thành công lớn, tạo động lực cho chương trình phát triển của những năm tiếp theo trong chương trình dự án là trồng 10.000 ha cao su và một số cây công nghiệp khác”. Ông Lê Thanh Cần – Tổng Giám đốc DRI, nguyên Giám đốc DAKLAORUCO cho biết.

khuôn viên cơ quan Nông trường 1

Với sự nỗ lực vượt bậc của Daklaoruco, qua mỗi năm, lại có thêm những cánh rừng cao su, những vườn cây công nghiệp vươn lên với những mảng màu xanh đầy sức sống thay thế cho những vùng đất cằn cỗi, hoang sơ tại những bản làng xa xôi nằm trong vùng Dự án.

Với phương châm “trồng mới đến đâu, hình thành bộ máy đến đó”, bước sang năm 2012, Daklaoruco đã trồng trồng mới được hơn 9.900 ha cây công nghiệp, trong đó có hơn 8.889 ha cao su cơ bản hoàn thành mục tiêu trồng mới của Dự án. Đồng thời, thành lập được 4 nông trường cao su, một nhà máy chế biến mủ cao su thiên nhiên, 6 phòng ban chức năng, xây dựng được 4 trạm y tế, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động địa phương với mức lương bình quân hơn 2 triệu kíp/người/tháng.

Hình ảnh lễ khởi công xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su thiên nhiên

Đáng chú ý, khi cây cao su cùng các cây công nghiệp khác trồng mới đến đâu thì hệ thống cơ sở hạ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được Daklaoruco đầu tư xây dựng đồng bộ đến đó. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của công ty mà còn đáp ứng với nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, học tập, khám chữa bệnh của nhân dân trong vùng dự án, giúp người lao động Lào yên tâm gắn bó lâu dài với công ty và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ngay tại quê hương mình.

Chị Phonethida – Phòng Hành Chính Nhân sự Công ty tâm sự: Em làm việc tại công ty cũng được hơn 10 năm rồi. Lý do em gắn bó với công ty là vì môi trường làm việc ở đây rất là thân thiện, gắn bó với nhau. Thứ hai là chế độ, lương thưởng của công ty rất tốt, thu nhập đảm bảo đối với cán bộ trực tiếp cũng như gián tiếp... Một cái nữa mà khiến em yêu công việc này vì làm việc ở đây, em có cơ hội được phát triển kỹ năng làm việc cũng như tham gia các khóa huấn luyện, đào tạo do Công ty tổ chức, điều đó giúp em ngày một hoàn thiện và phát triển mình hơn”.

Chị Phết U Đôn – công nhân nông trường 1 cũng cho biết “Tôi làm công nhân cao su ở Nông trường cũng nhiều năm rồi, từ khi cây cao su mới được trồng, trong gia đình cũng có các anh em làm công nhân cạo mủ cao su. Ngoài mức lương ổn định, chúng tôi luôn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định. Chúng tôi xác định là gắn bó lâu dài với công việc này.  Điều mà chúng tôi tâm đắc nhất khi làm việc ở đây đó là không khí vui vẻ, đoàn kết với nhau, người Việt cũng như người Lào, anh em luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc khó khăn, khiến chúng tôi hết sức phấn khởi và yên tâm công tác”.

Đổi mới, phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực

Kết thúc giai đoạn trồng mới với những thành tích ấn tượng, bước sang giai đoạn từ (2012 – 2015), DAKLAORUCO tập trung cho công tác chăm sóc vườn cây, củng cố và tinh gọn bộ máy tổ chức quản lý, nâng cấp dây chuyền sản xuất, chế biến mủ cao su, tìm kiếm mở rộng tiêu thụ thị trường sản phẩm cao su qua chế biến. Cuối năm 2012, hơn 43 % diện tích cao cao su đã đưa vào khai thác, năng suất bình quân đạt 0,47 tấn/ha. Cùng thời điểm này, nhà máy chế biến cao su thiên nhiên Daklaoruco với hai dây chuyền chế biến mủ cốm và mủ tờ, công suất 13.000 tấn mủ khô các loại/năm đã đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu về chế biến, đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất cho Daklaoruco. Đây cũng là bước đột phá, tạo ra thế và lực mới để Daklaoruco xây dựng và phát triển ngày càng vững mạnh.

Công nghệ sản xuất hiện đại của nhà máy chế biến cao su DAKLAORUCO 

Năm 2012, còn đánh dấu một cột mốc quan trọng với Daklaoruco trong công tác tổ chức quản lý khi công ty DAKRUCO thực hiện chủ trương và lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo chỉ đạo của UBND Tỉnh DakLak. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý vốn và các hoạt động đầu tư ở nước ngoài, DAKRUCO đã thống nhất thành lập công ty Cổ phần đầu tư cao su DakLak (DRIvào ngày 24/02/2012 với nhiệm vụ tiếp quản Dự án trồng cao su cùng các cây công nghiệp khác tại các tỉnh Nam Lào, đưa Daklaoruco ngày một phát triển, vươn tới tầm cao mới. Ông Lê Thanh Cần – Giám đốc DRI, nguyên Giám đốc DAKLAORUCO cho biết thêm “DRI ra đời xuất phát từ hai vấn đề chính, thứ nhất là mở rộng nhu cầu tham gia vốn của nhiều thành phần để phát triển Dự án, phát triển Daklaoruco. Thứ hai là nó nằm trong tiến trình cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV cao su Daklak (DAKRUCO)”

Dưới sự quản lý, điều hành trực tiếp của DRI, từ năm 2013 đến 2015, DAKLAORUCO tiến hành thực hiện mục tiêu đổi mới và phát triển doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, DAKLAORUCO đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, quản lý vườn cây, sản phẩm chế biến và cung ứng cao su thiên nhiên; đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm cao su qua chế biến, nâng cao mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; liên tục cải tiến điều kiện lao động; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường thông qua việc đầu tư nâng cấp và vận hành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải sau xử lý luôn đạt đủ điều kiện theo quy định để thải ra môi trường... Qua đó, đã nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý điều hành; nâng cao chất lượng mủ và chất lượng sản phẩm cao su xuất khẩu, từng bước tạo dựng, khẳng định uy tín sản phẩm cao su mang thương hiệu Daklaoruco trên thị trường quốc tế.

Năm 2015, mặc dù là năm đặc biệt khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cao su thiên nhiên, giá cao su giảm mạnh và ở mức thấp nhất so với nhiều năm trước, nhưng Daklaoruco vẫn đạt được những kết quả tích cực. Thu nhập bình quân đối với công nhân khai thác là 2,3 triệu kíp/người/tháng. Các chế độ đối với người lao động được thực hiện đầy đủ và kịp thời theo quy định của pháp luật hai nước Việt Nam và Lào.

Ông Nguyễn Đức Hạnh – Giám đốc  DAKLAORUCO nhấn mạnh thêm: “Từ ngày thành lập đến nay, DRI đã chỉ đạo rất là sát sao đối với Công ty tại Lào, từ hoạt động sản xuất kinh doanh cho tới chủ trương đầu tư và công tác bán hàng cũng như việc giải ngân cách nguồn vốn tín dụng, giúp cho Daklaoruco ngày càng phát triển, từ đó tình hình tài chính cũng tốt hơn so với những ngày đầu mới thành lập”.

Với mục tiêu phát triển Công ty theo hướng bền vững, trở thành một công ty có danh tiếng trong ngành cao su Đông Nam Á, mang lại lợi ích cho cộng đồng và các cổ đông, bước sang giai đoạn từ 2015 đến nay, Daklaoruco đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp từ khâu đầu vào cho đến khâu cuối của quá trình sản xuất; đầu tư cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cấp cơ sở hạ tầng; đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng xuất khẩu, đưa sản phẩm vào các thị trường khó tính. Đồng thời, khai thác tối đa những thế mạnh vượt trội như: vườn cây trẻ, đang bước vào thời kỳ khai thác hiệu quả, năng suất trung bình năm 2017 đạt 2,37 tấn/ha; Nhà máy chế biến cao su thiên nhiên đã được nâng cấp công suất từ 13.000 tấn lên 18.000 tấn mủ /năm vào năm 2018 với hệ thống dây chuyền, công nghệ hiện đại, có đủ năng lực sản xuất ra các loại sản phẩm chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 3769:2016.

Ngoài ra, DAKLAORUCO còn tích cực đổi mới cơ chế quản lý, duy trì và phát huy hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; Hệ thống quản lý phòng thí nghiệm đạt chuẩn Villas: ISO/IES 17025:2017… Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, DAKLAORUCO đã có những bước phát triển nhanh và toàn diện trên mọi lĩnh vực, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho hơn 2.580 lao động, trong đó có gần 90% là lao động tại chỗ. Với tiêu chí chất lượng sản phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu, Daklaruco luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, để bảo đảm sản phẩm xuất khẩu đúng theo yêu cầu kỹ thuật. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty ngày càng mở rộng và đã phát triển ra các nước khó tính như Đức, Bỉ, Mỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, EU,… Thương hiệu sản phẩm của DAKLAORUCO ngày càng được nhiều khách hàng tín nhiệm.

Quy mô tổ chức của Daklaoruco hiện nay gồm 4 nông trường, 1 nhà máy chế biến, 6 phòng ban chuyên môn, 4 trạm y tế; quản lý hơn 9.574 ha cây công nghiệp, trong đó có 8.837 ha cao su. Tính từ năm 2012 đến tháng 9 năm 2019, sản lượng khai thác cao su  của DAKLAORUCO đạt hơn 91.000 tấn mủ khô; tổng doanh thu từ cao su đạt hơn 2.800 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước Lào hơn 40 tỷ kíp; thu nhập bình quân lao động trực tiếp đạt hơn 2.700.000 kíp/người/tháng.

Năng lực sản xuất ngày một nâng cao, hoạt động kinh doanh ngày càng hiệu quả, Daklaoruco đã có tích lũy. Từ đầu năm 2018 đến nay, dòng tiền tích lũy từ Daklaoruco đã được chuyển về công ty mẹ DRI tại Việt Nam để đầu tư các Dự án phát triển kinh tế theo mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

Điển hình là Dự án trồng chuối già Nam Mỹ và sầu riêng xen canh trong vườn cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản được DRI phối hợp với công ty Công ty TNHH xuất nhập khẩu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bình Dương triển khai vào tháng 6 năm 2018 tại Đội 4 Nông trường cao su Cưkpô, xã Cưkpô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Quy mô dự án là thuê đất trồng xen trong cao su với diện tích 226,15 ha cao su, thời gian 22 năm, trong đó diện tích chuối đông đặc là 156,04 ha. Tổng mức đầu tư dự án hơn 66 tỷ đồng. Dự kiến sản lượng chuối trung bình mỗi năm khoảng 86 tấn. Hiện tại, DRI và đơn vị phối hợp đã triển khai giai đoạn 1 của Dự án, đầu tư trồng 69,9 ha chuối và sầu riêng trồng xen trong vườn cao su, vốn đầu tư 20 tỷ đồng... Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Dự án đã mang lại những kết quả tích cực, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cho DRI nói chung và Daklaoruco nói riêng. 

Thắt chặt tình đoàn kết hai nước Việt – Lào

Một trong những thành công rất lớn mà mỗi khi nhắc đến, tất cả cán bộ công nhân viên của DAKLAORUCO và DRI đều hết sức tự hào và phấn khởi, đó chính là những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nằm trong vùng Dự án.

Từ năm 2005 đến nay, DAKLAORUCO đã đầu tư gần 13 tỷ kíp cho công tác an sinh xã hội như: xây dựng, sửa chữa các công trình điện, đường, trường học, nước sạch, nhà ở cho công nhân, khu tái định cư, nhà ở kiểu mẫu cho công nhân Lào; đóng góp cho địa phương; hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thăm hỏi, động viên bà con dân Bản khi gặp khó khăn, hoạn nạn; thực hiện công tác y tế cộng đồng, khám và cấp phát thuốc miễn phí cho người lao động và nhân dân trong vùng Dự án... góp phần nâng cao đời sống của nhân dân địa phương, tạo ra tạo hiệu ứng tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn, mang lại sắc thái và diện mạo mới cho các bản làng.

Hình ảnh trao quà năm học mới cho học sinh trong vùng dự án của công ty 

Ông Phết Sa Món – Trưởng bản Noóng Nặm Kháo, huyện Ba Chiêng, tỉnh Champasak phấn khởi cho biết: “Từ khi có Dự án của Công ty TNHH Cao su Daklak về trồng cao su tại bản chúng tôi, cuộc sống của bà con thay đổi hẳn - thay đổi trong cách nghĩ cũng như cách làm nông nghiệp. Trước đây cũng làm nông nghiệp nhưng là theo tập quán lạc hậu, tác phong “đủng đỉnh” nên không có tích lũy. Nay thì theo nhịp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài việc tạo việc làm lao động ở địa phương, những năm qua Công ty còn đầu tư làm đường giao thông, kéo điện thắp sáng, xây dựng trường học, trạm y tế, xây nhà làm việc cho bản chúng tôi nên bản làng khang trang, đời sống vật chất tinh thần được nâng cao, người dân trong bản hết sức phấn khởi”.

Với mô hình kinh tế đặc thù là liên kết trồng cao su với người dân địa phương, trong những năm qua, Daklaoruco đã góp phần hình thành nên những tiểu vùng kinh tế - xã hội trù phú, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn nhân khẩu, làm thay đổi tập quán sống du canh, du cư của cư dân bản địa bằng nếp sống định canh, định cư, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, quy mô công nghiệp. Điều này không chỉ góp phần ổn định, nâng cao đời sống của người dân địa phương mà còn tạo ra tạo hiệu ứng tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn, mang lại sắc thái và diện mạo mới cho các bản làng nằm trong vùng Dự án.

Đánh giá về hiệu quả của Dự án trong 15 năm qua, ông Bun Thiêm Phai Lật A Sá – Phó giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Champasak đã khẳng định: “Từ khi Công ty TNHH Cao su DakLak đầu tư dự án trồng cao su tại 4 tỉnh Nam Lào, trong đó có tỉnh Champasak của chúng tôi, chúng tôi thấy rằng công ty đã đầu tư vốn và kỹ thuật thực hiện hiệu quả mục tiêu mà Dự án đã đề ra, đồng thời hỗ trợ chúng tôi rất nhiều về mọi phương diện để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Cụ thể, huyện Ba Chiêng của tỉnh Champasak, hồi xưa là một huyện nghèo, đời sống người dân hết sức khó khăn nhưng trong thời gian15 năm qua, khi có Công ty TNHH Cao su DakLak qua đầu tư thực hiện Dự án và hỗ trợ nhiều mặt đã giúp cho huyện Ba Chiêng ngày càng phát triển, không còn là huyện nghèo nữa. Nó thể hiện qua kết quả thu ngân sách hàng năm của huyện luôn đạt kế hoạch đề ra, như năm nay, tính đến hết tháng 9, huyện Ba chiêng đã thu đạt ngân sách của năm. Điều đó có nghĩa là người dân huyện Ba Chiêng đã có việc làm, có thu nhập ổn định, đời sống đã nâng lên rất nhiều”

Vươn lên tầm cao mới

Những nỗ lực của tập thể cán bộ Công nhân viên Công ty TNHH Cao Su DakLak trong suốt 15 năm qua đã được đền đáp xứng đáng. Đó không chỉ là những cánh rừng cao su ngút mắt, những vườn cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, xen lẫn trong đó là nhà máy, nông trường, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển mà còn là những phần thưởng cao quý do Đảng, chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương hai nước Việt Nam – Lào trao tặng biểu dương công sức của tập thể công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trồng cao su trên nước bạn Lào, thực hiện tốt hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2007, chỉ sau hai năm thành lập và thực hiện Dự án, Daklaoruco đã vinh dự nhận được cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ Việt Nam; năm 2008, nhận được Huân chương lao động hạng II của Chính phủ Lào, Huân chương lao động hạng Ba của chính Phủ Việt Nam; đến năm 2011 Daklaoruco được nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Chính phủ Lào...  Đây là những thành tích thi đua cao nhất trong thời gian ngắn nhất, thật khó có đơn vị nào sánh kịp. Liên tục từ năm 2005 đến nay, tập thể Daklaoruco cùng các tổ chức đảng, đoàn thể, các Nông trường, Nhà máy, tổ sản xuất cùng nhiều cá nhân trong công ty  cũng được các bộ ngành, đoàn thể trung ương, địa phương hai nước Việt Nam  - Lào tặng cờ thi đua, bằng khen và giấy khen....

Ông Nguyễn Văn Lạng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh DakLak là một trong những người tâm huyết và có nhiều đóng góp tích cực vào Dự án đưa cây cao su sang đất bạn Lào của DAKLAORUCO. Trong chuyến thăm Công ty nhân dịp kỷ niệm 15 năm hình thành và phát triển đã xúc động nói:  “Kết quả trên của Daklaoruco đã cho thấy: địa bàn mà chúng ta đã chọn về mặt đất đai, khí hậu, sinh thái cũng như việc tổ chức triển khai về kỹ thuật, quản trị của công ty tại đây là rất tốt. Nó thể hiện trước hết là chúng ta có gần 10.000 ha cao su tại Nam Lào. Thứ hai là diện tích cao su của chúng ta sinh trưởng và phát triển tốt. Chúng ta khẳng định rằng Việt Nam, trong đó có Dak Lak, trong đó có Công ty cao su đầu tư ra nước ngoài, đầu tư sang Lào thành công, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị gữa Việt Nam và Lào ngày càng phát triển”.

Phép màu của những thành tích và phần thưởng cao quý này này chính là con người, là công sức, lẫn trí tuệ cùng lòng nhiệt huyết, say mê với khát vọng tạo dựng màu xanh cao su cùng các loại cây công nghiệp khác vươn lên cho đời sống người dân các bộ tộc Lào phát triển.

Ông Trần Lê - nguyên PGĐ DAKRUCO, nguyên Tổng giám đốc DRI, nguyên Giám đốc DAKLAORUCO không giấu được niềm vui và tự hào với những thành tích và những đóng góp tích cực của DAKLAORUCO trong hành trình 15 năm qua đã khẳng định: “Có một điều mà cho đến giờ nhìn lại đã thành công rồi mà chúng tôi thấy thành công hơn nữa, cái thành công đứng trên hết tất cả mọi cái đó là tình cảm quý báu của toàn bộ nhân dân vùng Dự án, của các tỉnh, các vùng mà Dự án của Daklaoruco chúng tôi phát triển đến đều có tình cảm rất là tốt. Nhân dân trong vùng Dự án ủng hộ chúng tôi rất nhiệt tình mà đến nay, cái tình cảm đó vẫn tiếp tục được phát huy. Chúng tôi tin rằng, với đà này, DAKLAORUCO sẽ còn có những bước phát triển vượt trội trong những năm tới”.

Những thành tựu của DAKLAORUCO ngày hôm nay mang đậm dấu ấn của tình đoàn kết, hữu nghị bền chặt gắn bó keo sơn giữa hai nước Việt - Lào anh em, thể hiện tinh thần lao động cần cù nghiêm túc và sáng tạo của tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động, cũng như tâm huyết, sự năng động của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành Công ty qua nhiều thời kỳ; đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chỉnh phủ, các bộ ngành, chính quyền và nhân dân địa phương. Đây vừa là bài học kinh nghiệm, vừa là yêu tố quan trọng để Daklaoruco tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu đưa Công ty phát triển theo hướng bền vững gắn liền với 3 yếu tố: “phát triển kinh tế - bảo vệ môi trường - trách nhiệm với cộng đồng và xã hội”.

Nguyên lãnh đạo tỉnh Đăklăk thăm công ty sau 15 năm khởi công dự án

Ông Nguyên Viết Tượng - Chủ tịch HĐQT DRI cho biết về định hướng chiến lược trong tương lai: “Công ty cũng sẽ tập trung vào tìm các giải pháp, quy trình để đảm bảo sinh trưởng, phát triển vườn cây ổn định và đi theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn của FSC đề ra. Trên cơ sở đó, trong vòng ba năm tới, Công ty sẽ phấn đấu được cấp chứng chỉ FSC, sản phẩm sẽ tiếp tục vào được các thị trường khó tính. Hiện nay để tăng lượng hàng xuất khẩu, Công ty cũng đã củng cố bộ phận xuất khẩu của Công ty và hoạt động rất có hiệu quả. Một vấn đề nữa đó là: về cuối chu kỳ kinh doanh thứ nhất, Công ty cũng đã có định hướng chuyển sang chu kỳ kinh doanh thứ hai bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, ngoài các sản phẩm truyền thống từ trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến cao su thì công ty sẽ đi theo hướng trồng thêm một số loại cây ăn quả phù hợp với sinh thái tại Champasak, Salavan trên những diện tích đảm bảo về nước, đảm bảo tính bền vững của Công ty”.

Daklaoruco đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những khát vọng mới - khát vọng Hội nhập và phát triển sau hành trình 15 năm không ngừng phấn đấu. Tuy trước mắt khó khăn và thách thức vẫn còn rất lớn, song với nền tảng là bề dày truyền thống vẻ vang của một tập thể kiên định, với tình đoàn kết hữu hảo Việt - Lào đã được vun đắp, và với những những kết quả tích cực đã đạt được, tin tưởng rằng DRI nói chung và Daklaoruco nói riêng sẽ vạch ra được những lối mở để đưa thương hiệu cao su DAKLAORUCO lên xứng tầm, đưa DAKLAORUCO không chỉ trở thành một doanh nghiệp có danh tiếng trong ngành cao su Đông Nam Á mà còn trở thành một doanh nghiệp có vị thế trong ngành cao su thế giới.

 

Trụ sở chính

Công ty TNHH cao su Đắk Lắk (DAKLAORUCO)
Địa chỉ: Nhà số 236 đường số 11, Bản Tha Luống , Thành phố Pakse, Tỉnh Champasak, Lào PDR.
Tel: +856 31212570; Fax: +856 31252982
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Website: www.daklaoruco.com